NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM
(Trích điều 31, 32 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2011 Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học)
NHIỆM VỤ CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM
- Dạy học và giáo dục theo chương trình, kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học của nhà trường theo chế độ làm việc của giáo viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục; tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng;
- Tham gia công tác phổ cập giáo dục ở địa phương;
- Rèn luyện đạo đức, học tập văn hoá, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và giáo dục; vận dụng các phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động và sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học của học sinh;
- Thực hiện Điều lệ nhà trường; thực hiện quyết định của Hiệu trưởng, chịu sự kiểm tra, đánh giá của Hiệu trưởng và các cấp quản lý giáo dục;
- Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo, gương mẫu trước học sinh; thương yêu, tôn trọng học sinh, đối xử công bằng với học sinh, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; tạo dựng môi trường học tập và làm việc dân chủ, thân thiện, hợp tác, an toàn và lành mạnh;
- Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, các giáo viên khác, gia đình học sinh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh trong dạy học và giáo dục học sinh;
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
- Xây dựng kế hoạch các hoạt động giáo dục thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục bảo đảm tính khả thi, phù hợp với đặc điểm học sinh, với hoàn cảnh và điều kiện thực tế nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp và của từng học sinh;
- Thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch đã xây dựng;
- Phối hợp chặt chẽ với gia đình học sinh, với các giáo viên bộ môn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, các tổ chức xã hội có liên quan trong việc hỗ trợ, giám sát việc học tập, rèn luyện, hướng nghiệp của học sinh lớp mình chủ nhiệm và góp phần huy động các nguồn lực trong cộng đồng phát triển nhà trường;
- Nhận xét, đánh giá và xếp loại học sinh cuối kỳ và cuối năm học; đề nghị khen thưởng và kỷ luật học sinh; đề nghị danh sách học sinh được lên lớp thẳng, phải kiểm tra lại, phải rèn luyện thêm về hạnh kiểm trong kỳ nghỉ hè, phải ở lại lớp; hoàn chỉnh việc ghi sổ điểm và học bạ học sinh;
- Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình của lớp với Hiệu trưởng.
QUYỀN CỦA GIÁO VIÊN CHỦ NHIỆM
- Được nhà trường tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh;
- Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ theo các chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo;
- Được trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức tham gia quản lý nhà trường;
- Được hưởng lương và phụ cấp (nếu có) khi được cử đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định hiện hành;
- Được cử tham gia các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
- Được hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học tại các trường và cơ sở giáo dục khác nếu thực hiện đầy đủ những nhiệm vụ quy định tại Điều 30 của Điều lệ này và được sự đồng ý của Hiệu trưởng ;
- Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự, an toàn thân thể;
- Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.
- Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp mình;
- Được dự các cuộc họp của Hội đồng khen thưởng và Hội đồng kỷ luật khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến học sinh của lớp mình;
- Được dự các lớp bồi dưỡng, hội nghị chuyên đề về công tác chủ nhiệm;
- Được quyền cho phép cá nhân học sinh nghỉ học không quá 3 ngày liên tục;
- Được giảm giờ lên lớp hàng tuần theo quy định khi làm chủ nhiệm lớp.
NHỮNG CÔNG TÁC CHÍNH CỦA GVCN:
- Tìm hiểu và phân loại và nắm vững học sinh về mọi mặt: hoàn cảnh sống của học sinh (hoàn cảnh gia đình), đặc điểm tâm sinh lý bản thân học sinh,bằng cách trao đổi với giáo viên chủ nhiệm năm học trước, trao đổi với học sinh, thực hiện lấy ý kiến tham khảo về học sinh, đặc biệt là trực tiếp liên hệ gia đình học sinh. Tuyệt đối không định kiến đối với học sinh.
- Xây dựng lớp thành tập thể vững mạnh, tạo điều kiện thu hút học sinh vào các hoạt động chung của lớp, xây dựng tình đoàn kết nội bộ, tổ chức bồi dưỡng và hướng dẫn đội ngũ cán bộ lớp hoạt động. Đề cao tinh thần tự quản, xây dựng tốt mối quan hệ giữa cán bộ lớp và các thành viên trong lớp.
- Xây dựng mối quan hệ thầy trò trong lớp: đảm bảo tính dân chủ, có tôn ti trật tự. GVCN phải gương mẫu tận tụy và tôn trọng học sinh. Thực hiện tốt tinh thần dân chủ, công bằng, trung thực trong đánh giá xếp loại và yêu cầu học sinh có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.
- Tổ chức cho học sinh tự giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, thường xuyên động viên, uốn nắn giáo dục học sinh.
- Nâng cao chất lượng học tập, lao động và các hoạt động khác; thực hiện phân loại học sinh bằng cách thông qua GVBM để bồi dưỡng, phụ đạo. Nắm vững tình hình học sinh học tập ở nhà. Tổ chức phong trào thi đua của lớp, của trường thông qua hoạt động của Đoàn Đội.
- Nắm chắc tình hình hoạt động của lớp, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức: tham quan, cắm trại, thăm hỏi gia đình chính sách...
- Tổ chức thăm hỏi gia đình học sinh đối với những trường hợp học sinh bỏ học, học sinh cá biệt…
* Phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nhà trường:
+ Kết hợp tổ chức Đội để bồi dưỡng cán bộ nòng cốt và thực hiện kế hoạch công tác của Đội
+ Phối hợp với GVBM để thống nhất yêu cầu giáo dục đối với học sinh tạo điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh. Tham gia dự giờ các tiết GVBM giảng dạy. Mạnh dạn trao đổi với GVBM đối với những học sinh có khó khăn trong học tập ở một số môn học, phản ánh với GVBM những đề xuất của học sinh đối với GVBM.
Tăng cường phối hợp với GVBM dạy môn GDCD để đánh giá kết quả giáo dục học sinh về mặt hạnh kiểm.
+ Phối hợp với BGH để thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của lớp trong năm học, có căn cứ vào kế hoạch của trường, của tổ chuyên môn và tổ chủ nhiệm đề ra. Thường xuyên báo cáo tình hình lớp, kết quả giáo dục, nguyện vọng của học sinh. Đề xuất, xin ý kiến của BGH để có biện pháp tác động đến học sinh.
+ Phối hợp với các lực lượng khác trong nhà trường như: y tế, bảo vệ, thư viện, văn thư… để giáo dục học sinh.
+ Phối hợp vơi Ban đại diện CMHS của lớp và của trường để thống nhất biện pháp giáo dục học sinh, chú trong phối hợp với gia đình học sinh để tác động đến học sinh. Đồng thời giúp cho CMHS nắm rõ chủ trương, kế hoạch giáo dục của trường; mục tiêu, kế hoạch phấn đấu của lớp
* Lưu ý :
- Đánh giá kết quả giáo dục học sinh: đánh giá đúng, khách quan, căn cứ vào các chỉ tiêu giáo dục hạnh kiểm của trường (nội quy học sinh), chú trọng tổ chức cho học sinh tham gia tự đánh giá và đánh giá kết quả rèn luyện.
- Mỗi giáo viên chủ nhiệm phải xây dựng và triển khai kế hoạch chủ nhiệm năm, học kỳ, tháng, tuần; có biện pháp, có nghệ thuật giáo dục thích hợp với từng đối tượng học sinh;
- Thực hiện đầy đủ các nội dung trong sổ chủ nhiệm (theo mẫu)
- Không được tự ý xử lý các trường hợp phức tạp, vượt quá quyền hạn
- Quy định trên đây là tiêu chuẩn để đánh giá thi đua hàng năm. Đề nghị các giáo viên chủ nhiệm nghiêm túc chấp hành./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thcsvinhthanhtrungangiang.edu.vn là vi phạm bản quyền