Quyết định ban hành Quy chế xử lý kỷ luật học sinh trong trường

Thứ sáu - 10/07/2020 11:58

Quyết định ban hành Quy chế xử lý kỷ luật học sinh trong trường

Để bảo đảm sự thống nhất trong việc thực hiện kỷ luật học sinh trong toàn trường, nay Trường THCS Vĩnh Thạnh Trung xây dựng quy chế thực hiện việc kỷ luật học sinh
PHÒNG GD-ĐT HUYỆN CHÂU PHÚ
TRƯỜNG THCS VĨNH THẠNH TRUNG
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số:     /QĐ.THCSVTT Vĩnh Thạnh Trung, ngày  tháng năm 2018
QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành quy chế thực hiện kỷ luật học sinh của trường THCS Vĩnh Thạnh Trung
 
HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THCS VĨNH THẠNH TRUNG
Căn cứ Thông tư 08/TT ngày 21 tháng 3 năm 1988 của Bộ Giáo dục hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông;
Căn cứ Thông tư  số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành  Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học;
Căn cứ tính hình thực tế tại đơn vị,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành “Quy chế thực hiện kỷ luật học sinh” của trường THCS Vĩnh Thạnh Trung.
Điều 2. Thời gian thực hiện quy chế nầy của trường THCS Vĩnh Thạnh Trung kể năm học 2018-2019. Những quy định của trường trước đây trái với nội dung quy chế này đều bị bãi bỏ.
Điều 3. Toàn thể cán bộ, viên chức và học sinh thuộc Trường THCS Vĩnh Thạnh trung chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: HIỆU TRƯỞNG
-Đăng email vttcpagg@gmail.com
Website https://thcsvinhthanhtrungangiang.edu.vn/
-Lưu: VT
 
 
Nguyễn Thanh Hùng









QUY CHẾ
Về việc thực hiện kỷ luật học sinh
(Kèm theo quyết định số  /QĐ-THCSVTT ngày___/___/2018 của trường THCS Vĩnh Thạnh Trung về việc ban hành quy chế thực hiện kỷ luật học sinh)
Để bảo đảm sự thống nhất trong việc thực hiện kỷ luật học sinh trong toàn trường, nay Trường THCS Vĩnh Thạnh Trung xây dựng quy chế thực hiện việc kỷ luật học sinh như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Những căn cứ xây dựng Quy chế kỷ luật học sinh
Căn cứ Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ GDĐT về việc Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Căn cứ Thông tư 08/TT ngày 21 tháng 3 năm 1988 của Bộ Giáo dục hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông.
Điều 2. Mục đích, ý nghĩa xây dựng Quy chế
1. Việc thi hành kỷ luật đối với học sinh là một trong các biện pháp giáo dục quan trọng trong nhà trường phổ thông, nhằm mục đích:
- Khuyến khích học sinh phấn đấu vươn lên, noi theo các gương tốt để tu dưỡng và rèn luyện bản thân.
- Ngăn chặn triệt để các hiện tượng sai trái, tích cực giáo dục các học sinh phạm sai lầm, giúp các em phấn đấu trở thành học sinh tốt.
- Thúc đẩy học sinh tự giác thực hiện quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của mình nhằm nâng cao ý thức góp phần xây dựng mọi nền nếp, kỷ cương trong nhà trường.
2. Kỷ luật đối với học sinh được thực hiện đúng đắn sẽ góp phần tích cực vào việc củng cố và phát triển phong trào thi đua “Hai tốt”, từng bước thực hiện tốt mục tiêu đào tạo của nhà trường.
Điều 3. Nguyên tắc chung
- Kỷ luật bảo đảm chính xác, khách quan, vô tư, không định kiến, hẹp hòi, tùy tiện. Bảo đảm dân chủ, bình đẳng, có lý có tình đối với mọi học sinh, lấy giáo dục làm chính, đồng thời giữ nghiêm kỷ luật. Phát huy ưu điểm, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, lấy đó làm chỗ dựa để khắc phục những thiếu sót, những biểu hiện tiêu cực.
- Tiến hành kịp thời những hình thức thích hợp. Tạo ra trong nhà trường và ngoài xã hội một dư luận đúng đắn, ủng hộ cái tốt, phê phán cái sai.
- Khi học sinh vi phạm nền nếp kỷ cương, kỷ luật nhà trường, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với các giáo viên bộ môn, Chi Đoàn TNCS HCM, Liên Đội TNTP HCM và cha mẹ học sinh để có kế hoạch theo dõi sự tiến bộ và sửa chữa của học sinh phạm lỗi, có biện pháp nhắc nhở, giáo dục giúp đỡ các em khắc phục sửa chữa khuyết điểm; qua đó theo dõi, ghi nhận mức độ sửa chữa, tiến bộ để đánh giá xếp loại hạnh kiểm vào cuối học kỳ, cuối năm học. Tuy nhiên, trong những trường hợp cần thiết nhằm ngăn chặn việc vi phạm kỷ cương nền nếp hoặc khi học sinh vi phạm các hành vi không được làm đã được quy định tại Thông tư 12/2011/TT- BGDĐT ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ GDĐT về việc Ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông (Điều 41) ở mức nghiêm trọng thì phải tiến hành các thủ tục để xem xét kỷ luật.
Điều 4. Đối tượng và phạm vi áp dụng
Đối tượng thi hành kỷ luật là những học sinh có khuyết điểm tương đối nghiêm trọng, vi phạm những quy định về nhiệm vụ học sinh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong Điều lệ trường trung học (Điều 38 và Điều 41). Quy chế nầy áp dụng cho toàn thể học sinh trong biên chế thuộc trường THCS Vĩnh Thạnh Trung.
Chương II
CÁC HÌNH THỨC KỶ LUẬT HỌC SINH
(Theo Điều 42, Điều lệ trường trung học)
Điều 5. Phê bình
1. Phê bình trước lớp:
Học sinh vi phạm 1 trong các khuyết điểm dưới đây sẽ bị phê bình trước lớp:
- Nghỉ học không xin phép từ 3 buổi trở lên trong thời gian 1 tháng.
- Không thuộc bài hoặc không làm bài, không chuẩn bị bài do giáo viên qui định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng.
- Đi học không đúng giờ hoặc đi lao động không mang theo dụng cụ lao động mà nhà trường đã qui định từ 3 lần trở lên trong thời gian 1 tháng.
Việc phê bình trước lớp do giáo viên chủ nhiệm lớp xem xét quyết định sau khi đã tham khảo ý kiến của cán bộ lớp và công bố kịp thời vào buổi sinh hoạt lớp hàng tuần, sau đó giáo viên chủ nhiệm lớp, thông báo cho cha mẹ học sinh biết để phối hợp giáo dục và báo cáo Hiệu trưởng để biết, theo dõi
2. Phê bình trước trường
Những học sinh phạm 1 trong các những khuyết điểm dưới đây dù chỉ 1 lần song đã gây nhiều tác hại, ảnh hưởng không tốt đến giáo dục của nhà trường sẽ bị phê bình trước nhà trường
- Tái phạm nhiều lần một trong các khuyết điểm, sai phạm đã bị phê bình trước lớp.
- Ăn cắp của bạn bè, thầy cô giáo, gia đình hoặc của nhân dân nơi mình ở.
- Gây gỗ đánh nhau với học sinh trong trường và người ngoài trường; Gây mất đoàn kết trong tổ, nhóm học tập, bao che hoặc đồng tình với hành động sai phạm của bạn, không báo cáo với nhà trường những việc làm sai trái của bạn mà mình đã biết
- Có thái độ kém văn hoá hoặc hành vi thiếu đạo đức đối với thầy cô giáo, đối với cha mẹ, bạn bè và những người xung quanh.
- Tung dư luận xấu, phao tin đồn nhảm; tham gia tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan; nghe nhạc, xem phim hoặc tuyên truyền sách báo có nội dung xấu.
- Sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học.
Việc phê bình trước nhà trường sẽ do Hội đồng kỷ luật nhà trường xét đề nghị Hiệu trưởng quyết định và thực hiện
Điều 6. Khiển trách (trước trường) và thông báo với gia đình
Những học sinh phạm một trong các khuyết điểm sai phạm sau đây trong quá trình thực hiện nội qui nhà trường, quyền hạn và nhiệm vụ của bản thân sẽ bị Hội đồng kỷ luật khiển trách trước toàn trường:
- Tái phạm nhiều lần một trong các khuyết điểm đã bị phê bình trước trường.
- Vi phạm an toàn giao thông. 
- Nói năng thô tục, đánh bạc, hút thuốc lá, uống rượu, uống bia…
- Mắc khuyết điểm sai phạm lớn có tác hại nghiêm trọng dù chỉ là một lần như: ăn cắp hoặc cướp giật ở trong và ngoài trường; có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo; trêu chọc hoặc có hành vi thô bỉ với phụ nữ, với người nước ngoài; có những biểu hiện rõ ràng về gây rối trật tự an ninh; bị công an tạm giam giữ hoặc thông báo cho nhà trường biết; đánh nhau có tổ chức hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương
Hình thức kỷ luật khiển trách trước toàn trường sẽ do Hội đồng kỷ luật nhà trường đề nghị, Hiệu trưởng quyết định và thực hiện. Hình thức kỷ luật này sẽ được thông báo cho gia đình biết.
Điều 7. Cảnh cáo và ghi học bạ
Những học sinh phạm một trong các khuyết điểm sai phạm sau đây trong quá trình thực hiện nội qui nhà trường, quyền hạn và nhiệm vụ của bản thân sẽ bị Hội đồng kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường:
 - Tái phạm nhiều lần một trong các khuyết điểm đã bị khiển trách trước trường.
- Vi phạm một trong những điều cấm học sinh không được làm (Điều 41 – Thông tư 12) một cách nghiêm trọng như:
- Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
- Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử.
- Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
- Lưu hành, sử dụng các ấn phẩm độc hại, đồi truỵ; đưa thông tin không lành mạnh lên mạng; chơi các trò chơi mang tính kích động bạo lực, tình dục; tham gia các tệ nạn xã hội.
Hình thức kỷ luật cảnh cáo sẽ do hội đồng kỷ luật của nhà trường đề nghị, Hiệu trưởng ra quyết định. Hình thức kỷ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình.
Điều 8. Buộc thôi học có thời hạn
1. Buộc thôi học 1 tuần
Những học sinh vi phạm các khuyết điểm đã bị cảnh cáo trước toàn trường nhưng không hối lỗi và sửa chữa khuyết điểm hoặc phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương đến danh dự của nhà trường, của thầy cô giáo và tập thể học sinh như: trộm cắp, trấn lột, gây gỗ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương thì Hội đồng kỷ luật nhà trường xét đề nghị Hiệu trưởng quyết định và thi hành kỷ luật, đồng thời báo cáo Phòng Giáo dục-Đào tạo để biết và theo dõi
Hình thức kỷ luật này sẽ ghi vào học bạ của học sinh và thông báo cho gia đình biết để phối hợp giáo dục
Trong thời gian 1 tuần bị buộc thôi học, học sinh phải có mặt tại trường để chép lại các bài học và thực hiện nghĩa vụ lao động công ích theo quy định hướng dẫn của GVCN. Sau thời gian bị buộc thôi học 1 tuần, học sinh viết cam kết, có xác nhận của cha mẹ và ý kiến nhận xét của TPT Đội, ý kiến của GVCN và gửi cho hiệu trưởng để được xét cho học lại. Thời gian học sinh bị buộc thôi học được coi là nghỉ học có phép nếu được học lại.
Nếu trong thời gian bị buộc thôi học 1 tuần lễ, học sinh mắc khuyết điểm sai phạm không tỏ ra thành khẩn hối lỗi và quyết tâm sửa chữa, thậm chí còn phạm thêm nhiều khuyết điểm sai phạm khác thì Hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ đề nghị Hiệu trưởng quyết định buộc học 1 năm
2. Buộc thôi học đến hết năm học
Những học sinh mắc 1 trong các khuyết điểm sai phạm sau đây sẽ bị Hội đồng kỷ luật của nhà trường đề nghị Hiệu trưởng quyết định thi hành kỷ luật buộc thôi học đến hết năm học, có ghi học bạ và thông báo cho gia đình, đồng thời giao cho gia đình, đoàn đội và chính quyền địa phương tiếp tục giáo dục
- Mắc khuyết điểm sai phạm đã bị Hội đồng kỷ luật nhà trường thông qua Hiệu trưởng buộc thôi học 1 tuần lễ mà không chịu sửa chữa, vẫn còn tái phạm, thậm chí còn phạm thêm những khuyết điểm sai phạm khác
- Mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng hung khí đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương
- Sau khi thi hành kỷ luật buộc thôi học 1 năm, nhà trường lập đầy đủ hồ sơ, báo cáo Phòng giáo dục để biết và theo dõi
- Những học sinh sau khi bị buộc thôi học đến hết năm học, nếu có đủ điều kiện về tuổi và muốn học lại năm học sau thì phải làm đơn xin nhà trường xét cho học lại, có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, giấy cam kết của gia đình, của học sinh thì được Hiệu trưởng sẽ xem xét cho học lại.
Điều 9. Những vấn đề cần lưu ý
Ngoài hình thức thi hành kỷ luật trên đây, để đảm bảo tính sư phạm và tính nghiêm túc của việc giảng dạy và học tập trong giờ lên lớp, giáo viên bộ môn có thể tạm thời đình chỉ việc học tập và đưa lên gặp TPT Đội hoặc Ban giám hiệu giáo dục những học sinh mắc phải một trong các sai phạm như: nói năng hoặc có thái độ vô lễ đối với thầy cô giáo; gây gỗ đánh nhau hoặc gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến việc học tập của tập thể lớp, mặc dù đã được thầy cô khuyên răn, nhắc nhở, … Tùy theo mức độ, TPT Đội (BGH) quyết định cho các học sinh này được vào lớp tiếp tục học trong tiết học sau.
GVCN kết hợp với TPT Đội, CMHS thường xuyên nhắc nhở, giáo dục những học sinh hay vi phạm nền nếp nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật.
Tăng cường vai trò trách nhiệm của GVCN, GVBM, Bí thư Chi đoàn GV, TPT Đội trong việc tư vấn, giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống… cho HS. Thiết lập và duy trì có hiệu quả mối quan hệ giữa GVCN với gia đình trong việc quản lý, giáo dục HS, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, khắc phục nguyên nhân học sinh bỏ học... Trong giáo dục HS chuyển hướng dần từ việc xử lý hiện tượng vi phạm sang tìm hiểu nguyên nhân vi phạm để tìm cách tư vấn, giúp đỡ các em tránh sai phạm và thực hiện tốt nội quy, điều lệ nhà trường.
Chương III.
HỘI ĐỒNG KỶ LUẬT HỌC SINH VÀ HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ KỶ LUẬT
Điều 10. Hội đồng kỷ luật
Hội đồng kỷ luật được thành lập để xét kỷ luật, giảm mức hoặc xoá kỷ luật học sinh. Hội đồng kỷ luật do hiệu trưởng quyết định thành lập và làm Chủ tịch. Các thành viên của hội đồng có thể gồm: Phó Hiệu trưởng, Bí thư Chi đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp có học sinh phạm lỗi, một số giáo viên có kinh nghiệm giáo dục (giáo viên làm công tác tư vấn, giáo viên dạy môn giáo dục công dân hoặc giáo viên khác có liên quan) và Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường.
 Trước khi họp hội đồng kỷ luật để xét kỷ luật học sinh, Ban giám hiệu phải mời Cha mẹ học sinh và học sinh đến thông báo về các vi phạm của học sinh và bàn bạc trong Hội đồng kỷ luật hình thức sẽ áp dụng kỷ luật.
Hội đồng kỷ luật có thể tổ chức họp định kỳ hàng tháng, cuối học kỳ, cuối năm học và họp đột xuất để thi hành kỷ luật hoặc xem xét hạ mức hoặc xóa kỷ luật kịp thời nhằm nâng cao tác dụng giáo dục chung cho toàn trường và nhanh chóng hạn chế tác hại của hành động phạm lỗi của học sinh.
Điều 11. Xét quyết định kỷ luật
Hội đồng kỷ luật xác định mức kỷ luật bằng hình thức biểu quyết kỷ luật (bỏ phiếu kín) theo đa số.
Đối với hình thức buộc thôi học, có ít nhất là 2/3 số thành viên biểu quyết tán thành. Những vụ kỷ luật phức tạp được đưa ra trước Hội đồng giáo dục của nhà trường bàn hướng giải quyết hình thức kỷ luật sẽ áp dụng trước khi Hội đồng kỷ luật họp để xét và biểu quyết.
Cha mẹ học sinh và bản thân học sinh phạm lỗi được mời đến tham dự buổi họp của Hội đồng kỷ luật để nghe báo cáo về khuyết điểm sai phạm của học sinh, khi Hội đồng kỷ luật bàn bạc và biểu quyết hình thức kỷ luật thì không được tham dự.
Biên bản thảo luận và biểu quyết của Hội đồng kỷ luật phải được chuyển ngay cho Hiệu trưởng để xét và quyết định kỷ luật. Nếu Hiệu trưởng không nhất trí với Hội đồng kỷ luật phải báo ngay với Phòng Giáo dục xét, quyết định và thông báo ngay cho học sinh và gia đình học sinh biết.
Điều 12. Hồ sơ đề nghị kỷ luật học sinh
GVCN khi xử lý hoặc đề nghị Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý kỷ luật học sinh cần có đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu sau:
* Với hình thức khiển trách trước lớp:
 + Học sinh làm bản tường trình, bản tự kiểm điểm.
 + Học sinh đọc bản tự kiểm trước lớp, nghe GVCN phân tích khuyết điểm
 + Hình thức xử lý khiển trách trước lớp phải được thể hiện rõ trong biên bản sinh hoạt lớp hàng tuần
GVCN tập hợp các biên bản vi phạm từ TPT Đội/giám thị và học sinh vi phạm, các bản tường trình, kiểm điểm có liên quan, ghi chép vào sổ chủ nhiệm và lưu vào bộ hồ sơ chủ nhiệm lớp.
* Với hình thức khiển trách trước Hội đồng kỷ luật nhà trường trở lên:
 + Biên bản vi phạm của HS (ghi nhớ sự việc) do giám thị hoặc những người có trách nhiệm lập.
 + Bản tường trình sự việc sai phạm của các đối tượng có liên quan.
 + Bản tự kiểm của HS vi phạm (kèm theo những tài liệu, tang vật…. nếu có)
 + Biên bản họp lớp xét đề nghị xử lý kỷ luật HS.
 + Văn bản đề nghị Hội đồng kỉ luật nhà trường xét kỉ luật học sinh của GVCN (có ý kiến nhất trí của TPT Đội/giám thị)
GVCN tập hợp hồ sơ, gởi PHT phụ trách công tác quản lý giáo dục học sinh (PHT ngoài giờ) để trình Hiệu trưởng triệu tập Hội đồng kỷ luật nhà trường.
Chương IV
HỒ SƠ KỶ LUẬT HỌC SINH
Điều 13. Phê bình trước lớp
Hồ sơ xét kỷ luật đối với học sinh phạm lỗi: Bản kiểm điểm sai phạm của học sinh.
Điều 14. Phê bình trước trường
Hồ sơ xét kỷ luật đối với học sinh phạm lỗi:
- Bản kiểm điểm sai phạm của học sinh.
- Văn bản đề xuất của giáo viên chủ nhiệm và phê duyệt của hiệu trưởng.
Điều 15. Khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi học có thời hạn
Hồ sơ xét kỷ luật đối với những học sinh phạm lỗi:
- Bản kiểm điểm sai phạm của học sinh. Trường hợp học sinh không viết kiểm điểm sau khi giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở nhiều lần, tập thể lớp và hội đồng kỷ luật vẫn họp xét kỷ luật.
- Biên bản họp lớp có đề nghị hình thức kỷ luật của giáo viên chủ nhiệm, kèm theo những tài liệu, tang vật (nếu có).
- Biên bản họp xét kỷ luật của hội đồng kỷ luật của nhà trường.
- Quyết định kỷ luật học sinh của hiệu trưởng.
Chương V
QUYỀN KHIẾU NẠI CỦA HỌC SINH VÀ CHA, MẸ HỌC SINH
Học sinh và cha mẹ học sinh có quyền khiếu nại về kỷ luật của học sinh từ hình thức kỷ luật cảnh cáo trở lên trong thời hạn 1 tuần kể từ ngày được công bố quyết định kỷ luật
Điều 16. Quyền khiếu nại đối với hình thức kỷ luật cảnh cáo và buộc thôi học 1 tuần
Nếu bị kỷ luật cảnh cáo trước toàn trường hoặc bị buộc thôi học 1 tuần thì làm đơn khiếu nại với nhà trường, hiệu trưởng xem xét lại kỷ luật và trả lời cho đương sự trong thời gian 3 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại. Nếu phát hiện có sai lầm trong việc xét kỷ luật thì hiệu trưởng triệu tập hội đồng kỷ luật của nhà trường để bàn bạc, xem xét vụ việc kỷ luật cho thỏa đáng trong phạm vi 1 tuần kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.
Điều 17. Quyền khiếu nại đối với hình thức buộc thôi học hết năm học
Nếu bị kỷ luật buộc thôi học đến hết năm học thì có thể làm đơn khiếu nại với nhà trường hoặc Phòng GDĐT, Hiệu trưởng xem xét lại quyết định kỷ luật và trả lời cho đương sự trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại. Nếu phát hiện có sai lầm trong việc kỷ luật thì hiệu trưởng triệu tập hội đồng kỷ luật của nhà trường để bàn bạc, xem xét cho thỏa đáng trong phạm vi 1 tuần kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại.
Chương VI
VIỆC GIÚP ĐỠ HỌC SINH BỊ KỶ LUẬT SỬA CHỮA KHUYẾT ĐIỂM, XÉT HẠ MỨC HOẶC XÓA KỶ LUẬT, TRÌNH TỰ PHIÊN HỌP KỶ LUẬT VÀ LƯU TRỮ HỒ SƠ
Điều 18. Giúp đỡ học sinh bị kỷ luật
Đối với những học sinh bị kỷ luật, giáo viên chủ nhiệm lớp, các giáo viên bộ môn, TPT Đội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tập thể lớp có trách nhiệm theo dõi, tích cực giúp đỡ rèn luyện, sửa chữa khuyết điểm để học sinh tiến bộ.
Điều 19. Xét hạ mức hoặc xóa kỷ luật
Cuối năm học, hội đồng kỷ luật của nhà trường họp xét quyết định hạ mức hoặc xóa kỷ luật cho học sinh trong năm học nếu học sinh có sửa chữa và có tiến bộ. Hội đồng kỷ luật chỉ xét hạ mức hoặc xóa kỷ luật cho những học sinh bị mức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên. Học sinh và cha mẹ học sinh được mời đến tham dự cuộc họp này, nhưng khi Hội đồng kỷ luật biểu quyết xóa kỷ luật thì không được tham dự. Việc biểu quyết này sẽ tiến hành bằng bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số. Quyết định hạ mức hoặc xóa bỏ kỷ luật đối với học sinh vi phạm được công bố tại nơi đã công bố thi hành kỷ luật, đồng thời thông báo cho học sinh và cha mẹ học sinh biết.
Điều 20. Hồ sơ xét hạ mức hoặc xóa kỷ luật gồm
a) Bản tự kiểm điểm về quá trình tự phấn đấu sửa chữa khuyết điểm và mức độ tiến bộ của học sinh phạm lỗi.
b) Biên bản họp lớp, có đề nghị hạ mức hoặc xóa kỷ luật học sinh của giáo viên chủ nhiệm lớp.
Điều 21. Việc lưu trữ hồ sơ kỷ luật và hồ sơ hạ mức hoặc xóa kỷ luật
Hồ sơ kỷ luật, hồ sơ hạ mức hoặc xóa kỷ luật đối với học sinh cần được bảo quản đầy đủ và lưu giữ lâu dài tại văn phòng nhà trường (đối với những học sinh bị Hội đồng kỷ luật của nhà trường xử lý) và lưu giữ tại sổ chủ nhiệm lớp trong thời hạn học sinh đang theo học ở từng cấp học (đối với những học sinh bị giáo viên chủ nhiệm lớp phê bình trước lớp)
Việc ghi hình thức kỷ luật vào học bạ của học sinh chỉ tiến hành vào cuối năm học, sau khi hội đồng kỷ luật đã họp xem xét và quyết định hạ mức hoặc xóa kỷ luật cho học sinh phạm lỗi và ghi theo hình thức kỷ luật mới (nếu được hạ mức) hoặc không ghi kỷ luật (nếu đã được xóa kỷ luật). Chỉ ghi vào học bạ các mức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
Điều 22. Trình tự thực hiện trong phiên họp hội đồng kỷ luật học sinh
Phiên họp Hội đồng kỷ luật học sinh thường gồm 3 phần, như sau:
1. Kết luận lỗi vi phạm của học sinh
a) Thành phần:
Gồm các thành viên của Hội đồng kỷ luật, học sinh vi phạm kỷ luật và đại diện gia đình học sinh bị kỷ luật.
b) Các bước thực hiện:
- Tuyên bố lý do.
- Công bố Quyết định thành lập Hội đồng xét kỷ luật học sinh.
- Thông qua Quy chế hướng dẫn thực hiện xử lý kỷ luật học sinh của nhà trường trên cơ sở Thông tư 08/TT và Điều lệ trường trung học (phần xét kỷ luật học sinh)
- Học sinh đọc bản tường trình (nếu có) và bản kiểm điểm.
- GVCN nhận xét về ý thức kỷ luật của học sinh, phân tích những sai phạm và đề xuất ý kiến xử lý.
- Các thành viên Hội đồng phát biểu, phân tích về những lỗi vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật đối với học sinh.
- Đại diện gia đình học sinh phát biểu.
- Chủ tịch Hội đồng kết luật về những lỗi vi phạm của học sinh.
2. Quyết định hình thức kỷ luật
a) Thành phần:
Các thành viên của Hội đồng kỷ luật (không có học sinh và gia đình học sinh)
b) Các bước thực hiện:
- Các thành viên Hội đồng thảo luận và bỏ phiếu đề xuất hình thức kỷ luật đối với học sinh.
- Thư ký kiểm phiếu và công bố kết quả.
3. Tuyên bố Quyết định kỷ luật
a) Thành phần:
Có đủ thành phần như ở phần 1.
b) Các bước thực hiện:
- Đại diện Hội đồng kỷ luật thông báo hình thức kỷ luật đã được Hội đồng kỷ luật quyết nghị và đề nghị Hiệu trưởng áp dụng đối với học sinh.
- Học sinh hoặc đại diện gia đình học sinh đưa ra ý kiến.
- Chủ tịch Hội đồng kỷ luật kết luận.
- Thư ký thông qua biên bản cuộc họp.
- Bế mạc
Chương VII
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Tổ chức thực hiện
GVCN, TPT Đội có trách nhiệm tuyên tuyền phổ biến và quán triệt quy chế trong toàn trường ngay từ đầu năm học
Tùy theo tình hình thực tế các văn bản hiện hành, Hiệu trưởng có quyền quyết định thay đổi, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quy chế để đảm bảo tính phù hợp kịp thời.
Quy chế nầy được niêm yết công khai trên bảng tin, trên website, đọc trong chương trình phát thanh học đường đầu mỗi học kỳ hằng năm của trường và tổ chức sinh hoạt trong tuần lễ chuẩn bị năm học mới./.
Điều 24. Điều khoản thi hành
Quy chế nầy có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/09/2018, mọi quy định của nhà trường trước đây trái với quy chế nầy đều bãi bỏ.
Tất cả cán bộ, viên chức và học sinh của trường THCSVĩnh Thạnh Trung chịu trách nhiệm thực hiện đúng quy chế này.
TRƯỜNG THCS VĨNH THẠNH TRUNG

 

Tác giả bài viết: nthcpag

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thcsvinhthanhtrungangiang.edu.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây