CHUYÊN ĐỀ

Thứ ba - 24/10/2023 11:11
CHUYÊN ĐỀ
SỰ CẦN THIẾT GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN KỸ NĂNG GIAO TIẾP CHO HỌC SINH
https://img.giaoduc.net.vn/w700/Uploaded/2020/edxwpcqdh/2019_09_11/ung_xu_van_hoa.jpg


Văn hóa ứng xử học đường góp phần quyết định sự sống còn đối với mỗi nhà trường. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Tuổi thiếu niên có một vị trí đặc biệt quan trọng trong thời kì phát triển tâm sinh lý tuổi vị thành niên thành niên, là thời kì chuyển tiếp từ tuổi thơ sang tuổi trưởng thành như là “Một thời kì quá độ”. Ở lứa tuổi này các em có bước nhảy vọt về tinh thần lẫn thể chất; ở lứa tuổi này tồn tại song song vừa “tính trẻ con” vừa “tính người lớn”. Đây là thời kì phát triển phức tạp nhất và cũng là thời kì chuẩn bị cho sự hình thành đạo đức, nhân cách con người để tiếp tục phát triển ở giai đoạn tiếp theo. Trong thời kì này, các em thấy mình không còn là trẻ con nữa; cảm giác về sự trưởng thành của bản thân là nét đặc trưng riêng trong nhân cách thiếu niên. Các em quan tâm hơn về mọi mặt hình thức, tác phong, cử chỉ và những  kĩ năng của bản thân trong phạm vi học tập, muốn độc lập lĩnh hội tri thức, muốn có lập trường quan điểm riêng. Trong phạm vi xã hội, các em không muốn phụ thuộc vào người lớn, các em không muốn người lớn can thiệp ở một mức độ nhất định. Đồng thơi đòi hỏi, mong muốn người lớn quan hệ đối xử với mình bình đẳng như đối với người lớn, không can thiệp tỉ mỉ vào một số mặt trong đời sống riêng của mình. Các em bắt đầu chống lại những yêu cầu mà trước đây nó vẫn thực hiện một cách tự nguyện bằng cách bảo vệ những ý kiến của mình không chỉ trong lời nói mà trong cả hành động. Vì vậy, ngoài việc giáo dục tri thức cho tuổi thiếu niên, chúng ta cũng rất cần chú trọng hơn tới giáo dục những kĩ năng cần thiết cho các em như : kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sống,…
Không thể phủ nhận không gian văn hoá trong nhà trường là lành mạnh, đẹp đẽ. Vậy mà lâu nay, chúng ta vẫn bắt gặp không ít trường hợp học sinh vi phạm nội quy trường lớp, như : đánh nhau, nói tục chửi thề, vô lễ  với giáo viên, chán học, thiếu nghị lực trong học tập,… làm lụi tàn những ước mơ, khát vọng; sa đà theo lối sống ăn chơi, đua đòi, hưởng thụ, ngại lao động, thậm chí là trầm cảm. Tệ hại hơn, hiện nay tiếng Việt đang bị “biến dị” trong giới trẻ, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp của học sinh ở mọi lúc mọi nơi, mọi cấp độ, như : những câu từ tục tĩu ghi đầy trên bàn ghế, vách tường của trường học; những lời nói khiếm nhã khi trò truyện trên Facebook; những lời nói nửa Tây nửa ta trong giao tiếp một cách vô tội vạ, gây phản cảm (Ví dụ : Để nói lời xin lỗi thầy (cô) khi vi phạm thì “so-ri thầy (cô)”; kết thúc cuộc gặp gỡ thì “bye, bye”. Ngoài ra, các em còn có sự “sáng tạo” một cách vô nguyên tắc vô số những từ ngữ mới lạ mà các em gọi là lớp từ “stin” (tuổi teen: tuổi trẻ), thể hiện tâm trạng buồn (híc, híc) thể hiện tâm trạng vui (ha ha); yêu (iu),…
Có thể nói những cách nói năng bừa bãi này đã trở thành “bệnh” khó chữa, đã và đang làm cho tiếng Việt của chúng ta trở nên “méo mó”. Và có thể nói chưa bao giờ, tiếng Việt suy thoái và xuống cấp một cách trầm trong như hiện nay. Trước những vấn nạn đó, hơn bao giờ hết, vấn đề giáo dục, rèn luyện cho học sinh kĩ năng giao tiếp thông qua lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ,… được gọi là văn hoá giao tiếp là rất cần thiết để làm giàu thêm hành trang làm người có văn hoá trong thời kỳ hội nhập cho thế hệ học sinh thân yêu.  
Trên cơ sở tìm hiểu, phân tích thực trạng vấn đề, tôi thấy việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cần phải đảm bảo một trong các nguyên tắc cơ bản, như : kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng ứng xử  tình huống phức tạp và bất định đối với con người để các em khéo léo ứng phó vượt qua những thách thức, rào cản trong cuộc sống.
       Tóm lại, giáo dục văn hóa giao tiếp, văn hóa học đường là rất cần thiết nhằm xây dựng một môi trường văn hóa học đường trong lành, tốt đẹp, có sức cảm hóa, sức hấp để học sinh có ý thức làm theo những chuẩn mực của cái đẹp: từ lời ăn, tiếng nói đến cách nghĩ, cách hành động đều hướng đến “Chân - thiện - mĩ” trong quá trình giao tiếp của mình ở mọi nơi, mọi lúc; góp phần thúc đẩy sự phát triển tài năng trí tuệ lẫn phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì hội nhập.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây