TIN THỜI SỰ

Chủ nhật - 05/11/2023 01:39
TIN THỜI SỰ
 PNO - Các nhà giáo rất cần được pháp luật bảo vệ, cần sự đánh giá thực chất hơn, không bị áp đặt chỉ tiêu thành tích.


Phát hiện trong hộc bàn của một học sinh đầy rác, cô Ngọc Trân - giáo viên chủ nhiệm - yêu cầu em dọn ngay nhưng nữ sinh lớp Chín này dửng dưng: “Chút nữa ra chơi, em dọn”. Thái độ dửng dưng này khiến cô giận run, định sẽ mời phụ huynh để cùng giáo dục em dù sau đó, nữ sinh trên đã xin lỗi cô.

Hôm sau, cô mời 10 phụ huynh đến để báo về các lỗi của học sinh như đi học trễ, bỏ quên tập, trả treo với cô nhưng chỉ có 4 phụ huynh đến. Lúc đầu, mẹ của nữ sinh nói trên có chút phiền lòng bởi chị bận kiếm sống mà bị mời đến với lỗi không đáng. Nhưng khi gặp cô giáo, chị lại thay đổi cái nhìn của mình khi thấy gương mặt cô đầy căng thẳng, đôi chân mày nhíu lại như đã bị stress kéo dài. Chị bèn nhẹ giọng: “Để em về dạy lại cháu, cô yên tâm nha”. Lúc đó, gương mặt cô giáo mới giãn ra: “Chị ráng giúp em”.

Câu chuyện trên xảy ra ở một trường THCS của quận Bình Thạnh, TPHCM. Vị phụ huynh trên nhận xét: “Cô giáo quá căng thẳng”. Tuần qua, có nhiều học sinh đến lớp trễ, ảnh hưởng đến thành tích thi đua của lớp; có 5-7 em chỉ đạt điểm 1, 2 môn toán, trong khi năm nay sẽ thi vào lớp Mười; một nhóm nữ sinh tụ tập quậy phá trong giờ học môn văn, khó đạt chỉ tiêu đậu nguyện vọng 1… Những lo lắng của cô cứ chất chồng theo từng ngày. Trong trạng thái đó, bất cứ lỗi nào của đám học trò “nhất quỷ nhì ma” đều trở thành vấn đề, kích hoạt cơn nóng giận của cô. 

Nghề giáo ngày càng chịu nhiều áp lực. Giữa tháng 11/2022, trong buổi tiếp xúc cử tri TP Thủ Đức của đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đơn vị 1, cô giáo Võ Thị Vinh đã bật khóc nói: “19 năm công tác, tôi nản lắm. Lương thấp nhưng áp lực lại quá cao”. Cô xúc động nói về tình trạng giáo viên nghỉ việc do áp lực công việc; ngoài giờ dạy ở trường, giáo viên còn phải làm rất nhiều sổ sách không cần thiết vào buổi tối.

Một giáo viên THCS giảng dạy 20 năm ở TP Hà Nội thốt lên: “Chưa bao giờ, tôi cảm thấy áp lực của nghề lớn đến như thế”. Trong năm, có đủ cuộc thi, phong trào lớn nhỏ của ngành, rồi các đợt thanh tra khiến giáo viên ám ảnh “sắp bị lên thớt”. Kỳ thi chuyển cấp hiện nay căng thẳng hơn thi vào đại học, nên giáo viên lại gánh thêm áp lực đạt chỉ tiêu học sinh đậu vào lớp Mười. Công cuộc đổi mới giáo dục với yêu cầu dạy học sáng tạo càng khiến giáo viên thêm mệt mỏi khi sự hỗ trợ chưa tương xứng. 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2022-2023, cả nước có gần 9.300 giáo viên công lập nghỉ việc. Để giải quyết áp lực từ thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác để thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của giáo viên. Thực tế, một số tỉnh, thành như TPHCM, Đồng Nai đã có các chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên. 

Các nhà giáo rất cần được pháp luật bảo vệ, cần sự đánh giá thực chất hơn, không bị áp đặt chỉ tiêu thành tích. Những hành vi lan truyền trên mạng xã hội về những câu chuyện ở trường học khi chưa rõ thực hư cần bị xử phạt nghiêm. Báo chí, truyền thông cần tuyên truyền nhiều hơn nữa về những tấm gương nhà giáo không ngại khó, ngại khổ, có nhiều đóng góp cho ngành giáo dục, được các thế hệ học trò yêu quý, dư luận đánh giá cao.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy, quản lý đang từng ngày thay đổi bộ mặt nền giáo dục. Nhưng dù phát triển tới mức nào, công nghệ cũng không thể thay được vai trò của nhà giáo. Cho nên, thời nào cũng vậy, nhà giáo cần sự góp sức từ phụ huynh, học sinh, nhà trường, nhà quản lý ngành giáo dục và cả xã hội để được toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học, cho sự nghiệp trồng người.

 Theo Quế Minh

 

Nguồn tin: www.phunuonline.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây