THẦY TÔI
Tôi đến thăm người thầy yêu dấu của tôi vào một chiều mưa. Con đường rẽ vào nhà thầy vẫn như xưa, hơi hẹp và khó đi. Mưa không to lắm nhưng dai dẳng. Trước sân nhà thầy, hàng hoa dâm bụt vẫn còn đây, những đoá hoa đỏ thắm, nhụy phấn mịn vàng mật ướt trong cái trong trẻo, tinh khiết của đất trời.
Đặt chân trước ngõ nhà thầy, tôi hơi bỡ ngỡ, cảnh vật vẫn như xưa với ngôi nhà gỗ cổ, cái sân rộng lát gạch, cái hồ cá , hòn non bộ ...Tất cả đều vẹn nguyên và đầy kỉ niệm làm lòng tôi bồi hồi, xao xuyến. Đang miên man trong dòng hồi tưởng, bỗng có tiếng người hỏi :
- Cô tìm ai ?
Thoáng chút giật mình, tôi kéo mình về hiện tại, một người phụ nữ trung niên cất tiếng hỏi, tôi gật đầu chào chị và trả lời:
- Dạ, em đến thăm thầy cũ của em ạ!
- Thầy Tùng phải không? Thầy đang ở nhà, để chị gọi thầy!
Tôi cảm ơn và được chị mời vào nhà.Trong gian nhà ấm cúng, tôi thấy lại toàn bộ hình ảnh " nheo nhóc" của lũ học trò ngày xưa thường xuyên đến " quấy" thầy. Đây là cái bàn gỗ mun đen dài mà thầy thường ngồi với chúng tôi, kia là cái vỏ dừa nhẵn thính để bình trà, những cây cột to đen bóng loáng...Tất cả vẫn cổ kính hoài niệm...
- Chào em!
- Em kiếm tôi à?
- Em là...?
Ngoảnh đầu sang nhìn thầy, tôi vui mừng khôn xiết nhưng thầy lại ngờ ngợ...Tôi chào thầy và nhắc lại tên mình, chỉ bấy nhiêu thôi, thầy đã nhận ra. Tôi vô cùng xúc động khi thầy không hề quên cô học trò nhỏ này. Trước mắt tôi giờ đây, thầy của tôi đã có tuổi, khoé mắt đã có dấu chân chim, tóc đã pha màu bạc nhưng thầy vẫn khoẻ.
Thầy vui mừng vì hơn mười mấy năm mới gặp lại "cô lớp phó học tập hiền khô" mà ngày xưa thầy hay cười cười và nói mỗi khi sinh hoạt lớp.Thầy hỏi thăm tôi nhiều lắm về cuộc sống về gia đình.Thế là tôi và thầy hàn huyên tâm sự, bao kỉ niệm xưa "ào ạt" về trong hồi tưởng của hai thầy trò...
Ngày đó, thầy được giao làm chủ nhiệm lớp tôi- lớp 7P3. Hằng ngày đến trường, thầy hay đi bằng chiếc xe đòn vong cũ kĩ với cái cặp táp đen mà thầy hay để trên cổ xe. Ấy vậy mà chiếc xe cũ đó lại là minh chứng cho tình yêu thầm lặng, cao quý của một người thầy.
Tôi nhớ rất rõ, lớp 7P3 của chúng tôi hồi đó có ba mươi bảy học sinh và trùng hợp ngẫu nhiên, sĩ số của lớp vốn là con số lẻ mà lại có một cậu bạn tên “Huỳnh Phước Dư” nên tụi tôi hay chọc ghẹo đến mức vô duyên : “Bạn Là người dư trong lớp phải không?”. Ban đầu bạn ấy còn cười hiền “hì hì”, sau đó không cười mà bỏ đi luôn…Ấy vậy mà bọn trẻ như chúng tôi lại “ngốc tồ” tới mức, không nhận ra đã làm cho người khác bị tổn thương, chúng tôi tiếp tục chọc ghẹo… Rồi một ngày, hai ngày bạn không tới lớp. Chúng tôi ngơ ngác, xì xào hỏi nhau mà chẳng đứa nào biết tại sao. Giờ sinh hoạt chủ nhiệm đến, thầy thông báo bạn Dư xin thôi học, từ nay không đến lớp nữa. Tin này của thầy khiến tim tôi thắt lại, một cảm giác ray rứt, ân hận len lỏi trong đầu óc non nớt của tôi. Lũ bạn nhìn nhau, mặt đứa nào cũng buồn rười rượi. Đang ngồi “gặm nhấm” nỗi buồn, bất giác thầy gọi:
- Lớp trưởng và lớp phó sáng ngày mai đi cùng thầy đến nhà động viên bạn đi học lại nhe!
- Dạ ! Thưa thầy !
Ôi! Tiếng “ dạ” của tôi nó đúng dễ thương và ngoan biết chừng nào, chắc thầy tưởng tôi là một cán bộ lớp tích cực (xưa giò vẫn vậy mà) nhưng thầy đâu có ngờ, đó sẽ là một cơ hội cho tôi chuộc lỗi với bạn.
Sáng hôm sau, tôi dậy thật sớm, ngắm bình minh của một ngày mới. Nơi xa kia, phía đằng đông, mặt trời tròn lẳng, phúc hậu đã tỏa ánh sáng huy hoàng cho một ngày mới tuyệt diệu. Những áng mây trăng trắng nhẹ trôi bồng bềnh, tia nắng non hồng nhạt, một chút gió thu man mát lay động…Con đường quốc lộ để đến nhà thầy không xa lắm, tôi hít một hơi thật dài tận hưởng không khí dễ chịu và tiếp tục đạp xe. Đến nơi, bạn Tâm lớp trưởng vẫn chưa đến, thầy đón tôi và chờ bạn. Tôi bỗng đâm ra phát hờn cái sự đến trễ của bạn mà thật ra có trễ đâu, chắc tại tôi nôn nóng trong lòng. Một lúc sau, Tâm đến, xe tôi thì “cà tàng” ghê lắm nên thầy bảo, để xe của tôi trong nhà thầy và lên xe thầy chở. Thế là ba thầy trò chúng tôi chạy ra quốc lộ rồi thẳng hướng Vàm Sáng Vịnh Tre, rẽ vào đường đất…Ôi thôi, con đường khó đi vô cùng, nào là ổ gà, ổ voi, ngồi sau xe, tôi thấy lưng thầy ướt đẫm mồ hôi, chốc chốc thầy lại lấy tay quệt cho đỡ, còn bạn Tâm có chiếc xe đạp Trung Quốc xịn với chạy một mình nên trông bạn cũng không mệt lắm. Rẽ vào con hẻm nhỏ nhất, khó đi hơn, đá sỏi lỏm chỏm, ẩm ướt lá cây mục, hai bên đường toàn là tre, xa xa có vài ngôi nhà lá xập xệ. Thầy dừng lại, quay sang chúng tôi:
- Kia là nhà của bạn. Để xe ngoài đây, hai em vào cùng thầy nhe !
Thầy đi trước, tôi và Tâm theo sau. Đến trước cửa, chưa thấy ai nhưng trong nhà vang lên tiếng ho sù sụ. Thầy cất tiếng gọi, bỗng Dư chạy ra.Trông bạn hôm nay thật lạ, quần đùi cũ mềm, áo ba lỗ rộng thùng thình, tôi nghĩ chắc bạn mặc đồ của ba.
Thật lạ, gặp tôi và Tâm bạn không hề tỏ ra một chút buồn giận mà tươi cười dắt hai đứa tôi ra xem cái võng bạn đan dang dở. Ba đứa tôi nói với nhau rất nhiều, có cả việc tôi xin lỗi bạn…Thầy thì đang trò chuyện với ba bạn trong nhà. Tôi đoán được, nhà bạn rất nghèo nên bạn phải nghỉ học. Dù vậy, hai đứa tôi vẫn khuyên và rất mong bạn trở lại lớp, chúng tôi sẽ không chọc bạn nữa mà thương bạn nhiều hơn.
Ở nhà bạn cũng khá lâu, thầy cáo từ ra về, thầy không quên dặn dò bạn nhiều lắm. Tôi không biết cuối cùng thầy có động viên được gia đình cho bạn đi học tiếp được hay không nhưng tôi chỉ thấy thầy dúi vào tay bạn một phong bì và nói:
- Con chuẩn bị tập vở nhé, trưa mai thầy đến đón con đi học.
Nghe thầy nói, bạn Dư rất xúc động, trong đôi mát trong veo ấy ngân ngấn nước, thầy cười hiền từ và xoa đầu bạn. Tạm biệt Dư với niềm vui khôn xiết, tôi lại được thầy đèo về. Trên đường, ánh nắng tuy gay gắt nhưng sao vàng ươm, rực rỡ còn thầy tôi,tuy trên vai áo lại ướt đẫm mồ hôi nhưng thầy lại vô cùng bản lĩnh, cao quý. Bạn Tâm chắc cũng đang vui nên bạn chạy xe một mình mà vẫn nhanh nhẹn, không mệt. Thầy kể cho tôi nghe gia cảnh của Dư. Nhà bạn rất khó khăn, ba mới phát bệnh nặng không làm gì được, mẹ phải đi buôn bán nên không ai chở bạn đi học, dù rất ham học nhưng cũng đành chịu. Thấy vậy thầy đã động viên và hỗ trợ chở bạn đi học mỗi ngày cho đến khi chị bạn về. Và từ đó, trưa nào tôi cũng thấy Dư cũng ngồi sau xe thầy, cứ mỗi ngày như thế, vòng xe đạp tuy có nặng hơn, áo ướt đẫm mồ hôi hơn nhưng trên đôi môi thầy tôi vẫn cười, ánh mắt vẫn nhìn chúng tôi dịu dàng, trù mến.
Và giờ đây, sau hơn mười mấy năm xa cách, thầy vẫn nhớ về tôi, về Tâm và đặc biệt Là Dư. Dư hiện tại tuy là tài xế của một hãng xe ở Sài Gòn nhưng cũng đã học hết cấp III, hiện tại có cuộc sống ổn định. Trong lòng bạn ấy không bao giờ quên thầy, người với những vòng xe đã đưa bạn đến với tương lai. Còn tôi, tôi đã không bao giờ quên, chính hành động cao quý của thầy ngày hôm ấy đã đi theo và vun đắp ước mơ là nhà giáo chân chính trong tôi. Giờ đây,tôi cũng đã theo nghề cao quý đó, cũng là người thầy lái con đò yêu thương đưa học sinh đến với bến bờ hạnh phúc. Cảm ơn thầy về tình yêu mà thầy dành cho chúng tôi và cảm ơn thầy cho tôi hiểu rằng “Sự gương mẫu của người thầy giáo là tia sáng mặt trời thuận lợi nhất với sự phát triển tâm hồn non trẻ mà không gì thay thế được” (Usinxkhi). Và hôm nay, tình yêu sự biết ơn mà học trò dành cho tôi cũng sâu sắc như tình yêu mà chúng tôi đã luôn dành cho thầy.
Nhắc về kỉ niệm thầy trò,tôi xúc động vô cùng nhưng tôi không quên chuyển lời biết ơn của Dư gửi đến thầy và cuộc hẹn mà Dư sẽ đến thăm thầy vào dịp gần nhất. Tuy quyến luyến, bịn rịn nhưng cuộc hội ngộ nào cũng phải chia tay. Tôi xin phép thầy ra về. Thầy tiễn tôi ra đến cửa, lúc này mưa đã dứt hẳn, cái sân lát gạch cũ kĩ, cái hòn non bộ và cả những đóa hoa Lồng đen đỏ như son dường như chúng cũng đang vui mừng, đang xúc động với cuộc hội ngộ hơn mười mấy năm này. Bất giác, tôi ngoảng đầu lại nhìn thầy và thầm nói: “Tạm biệt thầy, em và các bạn luôn nhớ về thầy”…
8/ 2022
Tác giả: TRƯƠNG THỊ ÁNH NGUYỆT
GV THCS VĨNH THẠNH TRUNG