Kế hoạch phòng chống tội phạm HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội năm 2023
Thứ sáu - 10/03/2023 03:15
Kế hoạch phòng chống tội phạm HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội năm 2023
Thực hiện Kế hoạch số 129/KH-PGDĐT ngày 02 tháng 3 năm 2023 của Phòng Giáo dục và Đào tạo về công tác phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS và các tệ nạn xã hội năm 2023. Trường THCS Vĩnh Thạnh Trung xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2023, cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU
Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 50/KH-UBND ngày 25/01/2022 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình của Chính phủ thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48- CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030; các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thể hiện trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị; nâng cao hiệu quả phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm.
Phát huy sức mạnh tổng hợp toàn thể CB-GV-NV trong công tác đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh, phục vụ có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần tạo môi trường ổn định để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tội phạm
Toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Ban Chỉ đạo Trung ương. Trọng tâm là: Quyết định 1944/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 15- KL/TW ngày 30/9/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 22/6/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Kết luận số 44-KL/TW ngày 22/10/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới; Quyết định số 356/QĐ- BGDĐT ngày 03/02/2023 của Bộ GDĐT Phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định rõ trách nhiệm của từng cấp; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Xử lý kịp thời, nghiêm minh đảng viên vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm theo Quy định 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị.
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước hết về tình hình an ninh, trật tự tại cơ quan, đơn vị được giao phụ trách; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc đảm bảo duy trì tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ quan và các đơn vị trường học.
Tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình, kết quả thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống HIV/AIDS tại các đơn vị và cơ sở giáo dục, kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
2. Thực hiện công tác phòng ngừa tội phạm; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Tổ chức thực hiện tốt công tác phòng ngừa xã hội, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Có giải pháp để ổn định và nâng cao đời sống công chức, viên chức, người lao động, chú trọng các đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý cán bộ, quản lý sử dụng tài sản công, chủ động phòng ngừa không để tội phạm có cơ hội lợi dụng hoạt động.
Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các chương trình phát thanh học đường. Đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và cách thức phòng ngừa, phát hiện cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật như: Tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tác hại của ma túy, mại dâm, cờ bạc; lên án mạnh mẽ các hành vi xâm hại trẻ em; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em,…
Tuyên truyền, phản bác những quan điểm, tư tưởng sai trái, xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kết quả công tác phòng, chống tội phạm. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống tội phạm.
Chủ động theo dõi phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan, có liên quan đến tình trạng khiếu kiện, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, mâu thuẫn nội bộ, gia đình,…
2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS
Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan (Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội; Y tế...) đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy trong trường, coi tuyên truyền là biện pháp trọng tâm, với phương châm phòng ngừa là chính. Chỉ đạo tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp để tất cả học sinh nắm vững những kiến thức cơ bản về ma túy, tác hại của ma túy để tự phòng ngừa, chú trọng việc giáo dục về đạo đức, nhân cách nếp sống; Tích cực hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống AIDS (01/12).
4. Thực hiện có hiệu quả các văn bản phối hợp phòng, chống tội phạm đã ký kết giữa ngành GDĐT với lực lượng Công an
Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phối hợp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác với công an địa phương; Kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường, thực hiện tốt công tác An toàn an ninh trật tự trường học.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực “tín dụng đen”, phòng chống bạo lực, xâm hại, tàng trữ, mua bán, sử dụng ma túy, hàng cấm...
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục trong các tiết giáo dục NGLL, SHDC hàng tuần, “Tuấn lễ giáo dục dân số” hàng năm.
- Các tổ chuyên môn: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể của từng tổ, bộ phận xây dựng lồng ghép trong kế hoạch kế hoạch giáo dục và triển khai thực hiện công tác phòng chống tội phạm, ma túy, tệ nạn xã hội năm 2023.